Sức hút ngành Điện-Điện tử trong kỷ nguyên số 4.0

Vai trò của ngành Điện-Điện tử trở nên hết sức quan trọng, do các yếu tố của thế giới số trong kỷ nguyên số 4.0 chính là trí tuệ nhân tạo. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Kỷ nguyên số 4.0 hướng đến giải phóng con người khỏi công việc trí tuệ
Kỷ nguyên số 4.0 hướng đến giải phóng con người khỏi công việc trí tuệ

Sự thay đổi trong sản xuất do tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã dẫn tới những thay đổi trong thị trường lao động toàn cầu hiện nay. Các phương thức sản xuất mới ra đời khai thác triệt để các tiến bộ của khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất lao động. Xu hướng chuyển dịch và đầu tư vào ngành Điện Điện tử được rất nhiều nhà đầu tư chú trọng. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Hầu hết những doanh nghiệp điện tử lớn hàng đầu thế giới đã có mặt trong nước như: Samsung, LG, Canon, Intel, Panasonic, Toshiba… Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngành Điện-Điện tử  được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, đóng vai trò là ngành công nghiệp mũi nhọn tạo ra các giá trị mới trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. 

Theo báo cáo mới đây của ILO về tác động của công nghệ làm thay đổi việc làm và các doanh nghiệp, trong hai thập niên tới 2020 – 2030, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), có nguy cơ mất việc do bị thay thế bởi công nghệ, đặc biệt các ngành dệt may, da giầy, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản…Tuy nhiên theo đánh giá của một số doanh nghiệp điện tử lớn sử dụng nhiều lao động ở Việt Nam thì hiện tại, các doanh nghiệp điện tử đều đang tiến hành tự động hóa máy móc thiết bị nhưng vẫn rất thiếu lao động, kể cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Kỷ nguyên số 4.0 yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay lại thiếu hụt cả về số lượng và kỹ năng tay nghề. 

Các cơ sở giáo dục đầu tư máy móc hiện đại phục vụ đào tạo ngành Điện-Điện tử
Các cơ sở giáo dục đầu tư máy móc hiện đại phục vụ đào tạo ngành Điện-Điện tử

Hiện nay, ngành điện tử Việt nam đang thu hút gần 500.000 lao động, trong đó khoảng 70% là lao động nữ và trên 85% lao động có độ tuổi dưới 35. Theo nghiên cứu mới đây về việc làm trong ngành điện tử của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lao động trong ngành điện tử chủ yếu là lao động có kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị, lao động thủ công. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động đang làm việc trong ngành điện tử không cao, có đến 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Lao động của Việt Nam đa phần không được đào tạo bài bản, nên không đáp ứng được yêu cầu khi doanh nghiệp sử dụng các thiết bị công nghệ mới.

Nắm được vấn đề này, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo chuyên ngành Điện Điện tử cũng xuất hiện ngày một nhiều và được chú trọng đầu tư, phát triển, liên tục tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức mới để theo kịp với thời đại. Vai trò ngành Điện-Điện tử trong kỷ nguyên số 4.0 thật sự có sức hút mạnh mẽ, đã nhận được nhiều sự quan tâm của quý phụ huynh, các bạn thí sinh và được nhận định sẽ phát triển tăng tốc trong tương lai. Nếu yêu thích và có đủ khả năng, các bạn trẻ hãy tự tin theo đuổi ngành học này nhé.