Tin tức
Ngành Điện Điện tử; đa dạng cơ hội nghề nghiệp, thu nhập cao
Công việc thiết lập nên các hệ thống điều khiển tự động này chính là công việc của ngành Điện Điện tử. Xã hội phát triển, việc hiện đại hoá sản xuất là nhu cầu rất cần thiết. Hiện nay, các nhà máy đều đang hướng đến tự động hóa điều khiển máy móc thông qua các hệ thống điều khiển.
Ngành Điện Điện tử hiện đang trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn nên thu hút rất nhiều sự đầu tư, hàng loạt các cơ sở điện tử được mở ra để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp. HCM, hiện nay hàng loạt các ngành Cơ khí kỹ thuật như: Điện tử viễn thông, ngành Cơ Điện tử, Luyện kim, Ôtô, Chế tạo máy… đang rất thiếu nhân lực. Tuy vậy, nguồn nhân lực có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh nhóm ngành này hiện chỉ đạt mức 54,87%. Vì kiến thức ngành học phong phú nên những sinh viên tốt nghiệp ngành công nghiệp điện tử có thể lựa chọn rất nhiều công việc khác nhau, cơ hội việc làm ngành Điện Điện tử rất cao.
Sinh viên sau tốt nghiệp có thể làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty, các phòng kỹ thuật, các viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước và thế giới về lĩnh vực ngành Điện Điện tử, các công việc cụ thể như
- Vận hành, quản lý, khai thác và thiết kế các mạng điện thoại cố định và di động, mạng truyền dẫn quang, viba, thông tin vệ tinh, phát thanh truyền hình, mạng thông tin dữ liệu, phân tích và thiết kế các thiết bị thu phát cao tần, các vi mạch số và vi mạch tương tự, vận hành máy móc trong nhà máy chế tạo linh kiện bán dẫn, nhà máy sản xuất thiết bị điện tử; lập trình và thiết kế phần cứng xử lý tín hiệu âm thanh, hình ảnh và tín hiệu đa phương tiện.
- Thiết kế và xây dựng hệ thống đo lường, điều khiển tự động, giám sát các hệ thống trong dầu khí, chế biến thức ăn nước uống, sản xuất, máy móc, dược, phân phối và quản lý năng lượng.
- Thiết kế thiết bị điện và điện tử công suất, thiết kế bộ điều khiển máy điện, thiết kế hệ thống năng lượng tái tạo, thiết kế mạng điện, thiết kế trạm biến áp, thiết kế nhà máy điện, thiết kế và lập trình giải thuật điều khiển thiết bị và hệ thống điện, quản lý và vận hành lưới điện, thiết kế chiếu sáng, phân tích ổn định thiết bị và nguồn điện, bảo vệ relay và tự động hóa hệ thống điện, kỹ thuật cao áp, vật liệu cách điện, phân tích dữ liệu khoa học, phân tích hệ thống, điều khiển quá trình thời gian thực và lập trình giao tiếp người sử dụng.
- Nếu như có đủ khả năng và trình độ thì các bạn trẻ có thể tự mở cho mình một xưởng điện tử công nghiệp hoặc một cửa hàng chuyên bán các thiết bị điện tử công nghiệp, sửa chữa chính những thiết bị đó để thỏa sức đam mê với lĩnh vực, chuyên ngành mình theo học.
Theo khảo sát từ nhiều trang web tuyển dụng, mức lương trung bình của một kỹ sư ngành Điện Điện tử ở Việt Nam sẽ dao động từ 5-30 triệu đồng/tháng. Tùy theo từng vị trí công tác và công ty, doanh nghiệp mà bạn sẽ có những mức lương khác nhau. Nếu tiếng Anh ở mức giao tiếp tốt, lương kỹ sư điện trung bình đạt hơn 20 triệu/tháng và con số này có thể tăng lên rất nhiều tùy kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của từng người.
Ngay tại nước ta, nhân lực trong các ngành về trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, xe ôtô tự lái, Robotic… đang được “săn lùng” ráo riết và trả mức lương “khủng”. Chi phí tiền lương cho nhóm lao động này có thể tăng 50 – 100%/năm trong một vài năm.
Hiện nay có rất nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có liên quan đến thiết bị điện tử, xí nghiệp, cơ sở sửa chữa đồ dân dụng tầm cỡ quy mô hay vĩ mô cũng đều rất cần công nghiệp điện tử. Đặc biệt những tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử lớn như Samsung, LG, Toshiba,… luôn có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn.
Khi học ngành Điện Điện tử, chỉ cần bạn có khả năng phù hợp, cộng với sự chăm chỉ, nhiệt tình, lòng say mê với công việc là các bạn có thể lựa chọn cho mình một công việc tương xứng với mình. Cơ hội việc làm chắc chắn sẽ vô cùng phong phú và rộng mở với mức lương hấp dẫn. Chúc các bạn có sự lựa chọn đúng đắn và thành công đối với ngành học này
Pingback: Tương lai, cơ hội ngành Điện điện tử trong 5 năm tới
Pingback: Vì sao ngành điện tử cần nhu cầu nhân lực lớn tương lai
Pingback: Học sinh 12 không biết thích ngành gì? | Ngành Điện tử